Sáng 29 tháng 11, QH đã thông qua Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Đây là một trong những Dự luật được cử tri cả nước mong đợi QH thông qua, với mong muốn làm giảm được tình trạng khiếu kiện kéo dài mà nguyên nhân chủ yếu là từ đất đai.
Thống nhất quản lý đất đai từ trung ương đến địa phương
Theo Luật Đất đai sửa đổi, cơ quan quản lý đất đai được tổ chức thống nhất từ trung ương đến địa phương. Cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai ở trung ương là Bộ Tài nguyên và Môi trường. Cơ quan quản lý đất đai ở địa phương được thành lập ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; tổ chức dịch vụ công về đất đai được thành lập và hoạt động theo quy định của Chính phủ.
Thể hiện vai trò đại diện của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các cơ quan khác trong cơ chế Nhà nước là đại diện chủ sở hữu đất đai, Luật Đất đai sửa đổi quy định: Quốc hội ban hành luật, nghị quyết về đất đai, quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia; thực hiện quyền giám sát tối cao đối với việc quản lý và sử dụng đất đai trong phạm vi cả nước.
Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện quyền thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương mình trước khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; thông qua bảng giá đất, việc thu hồi đất thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng của địa phương theo thẩm quyền quy định tại Luật này; giám sát việc thi hành pháp luật về đất đai tại địa phương.
Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai theo thẩm quyền quy định tại Luật này.
Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho cho tổ chức, cơ sở tôn giáo; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư; tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao sẽ thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được ủy quyền cho cơ quan tài nguyên và môi trường cùng cấp cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.”
Kỳ quy hoạch sử dụng đất được quy định tại Luật sửa đổi là 10 năm
Đảm bảo lợi ích người dân khi thu hồi đất
Về vấn đề bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, Luật Đất đai (sửa đổi) quy định: Trường hợp không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi thì được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở; trường hợp không có nhu cầu bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở thì Nhà nước bồi thường bằng tiền.
Trường hợp còn đất ở, nhà ở trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi thì được bồi thường bằng tiền. Đối với địa phương có điều kiện về quỹ đất ở thì được xem xét để bồi thường bằng đất ở.
Hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất gắn liền với nhà ở phải di chuyển chỗ ở mà không đủ điều kiện được bồi thường về đất ở, nếu không có chỗ ở nào khác thì được Nhà nước bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở hoặc giao đất ở có thu tiền sử dụng đất.
Tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang sử dụng đất để thực hiện dự án xây dựng nhà ở khi Nhà nước thu hồi đất, nếu có đủ điều kiện được bồi thường thì được bồi thường về đất.
Khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, mà không có đất nông nghiệp để bồi thường thì ngoài việc được bồi thường bằng tiền, còn được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm.
Về Khung giá đất, Luật Đất đai sửa đổi nêu rõ: “Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 5 năm một lần đối với từng loại đất, theo từng vùng. Trong thời gian thực hiện khung giá đất mà giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá tối thiểu trong khung giá đất thì Chính phủ điều chỉnh khung giá đất cho phù hợp”
Luật Đất đai cũng được bổ sung quy định về sự tham gia của cơ quan tư vấn giá đất trong Hội đồng thẩm định giá đất để đảm bảo sự khách quan khi đền bù thu hồi đất. Cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh được thuê tổ chức có chức năng tư vấn định giá đất để tư vấn xác định giá đất cụ thể. Căn cứ kết quả tư vấn giá đất, cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh trình Hội đồng thẩm định giá đất xem xét trước khi trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định.