Cho ý kiến về Dự thảo Luật Công chứng sửa đổi tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều qua 12/3, các ý kiến cơ bản đồng thuận với nhiều vấn đề Ủy ban Pháp luật đưa ra như mở rộng phạm vi công chứng, khống chế tối đa độ tuổi hành nghề, việc chuyển nhượng, thừa kế văn phòng công chứng…
Công chứng viên phải chịu trách nhiệm về nội dung bản dịch
Liên quan đến việc mở rộng phạm vi hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng, của công chứng viên (CCV), qua thảo luận, Ủy ban Pháp luật cho biết: đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đại biểu Quốc hội đều tán thành giao cho CCV thực hiện việc chứng nhận bản dịch giấy tờ, chứng thực chữ ký, chứng thực bản sao như các cơ quan hành chính nhà nước quy định tại Nghị định 79/2007/NĐ-CP để tạo thuận tiện cho người dân cũng như giảm áp lực công việc cho các cơ quan hành chính.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính chuyên môn hóa trong hoạt động công chứng, Dự thảo Luật được quy định theo hướng CCV được thực hiện việc chứng nhận bản dịch giấy tờ, đồng thời được chứng thực bản sao từ bản chính và chứng thực chữ ký trên giấy tờ, văn bản nhưng chỉ giới hạn đối với các giấy tờ, văn bản có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà mình đã công chứng hoặc đang thực hiện việc công chứng. Phòng Tư pháp cấp huyện và UBND cấp xã vẫn thực hiện các công việc chứng thực theo quy định tại Nghị định 79/2007/NĐ-CP như hiện nay.
Về việc công chứng hay chứng nhận bản dịch giấy tờ, để bảo đảm chất lượng của hoạt động công chứng, dịch thuật, phù hợp với năng lực và điều kiện thực tế của các tổ chức này, đồng thời bảo đảm tốt hơn cho người dân trong việc lựa chọn và tiếp cận dịch vụ chứng nhận bản dịch, Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng giao cho CCV nhiệm vụ công chứng bản dịch giấy tờ. Theo đó, bổ sung quy định CCV cũng phải chịu trách nhiệm về nội dung bản dịch và việc chứng nhận nội dung bản dịch không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội.
Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: Trước đây nội dung bản dịch do người dịch hoàn toàn chịu trách nhiệm. Bây giờ như thông lệ các nước, CCV phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước khách hàng về nội dung bản dịch, còn quan hệ giữa CCV và người dịch là quan hệ dân sự khác.
Cho phép chuyển đổi các phòng công chứng
Về việc chuyển đổi các phòng công chứng thành văn phòng công chứng, Ủy ban Pháp luật cho biết, qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành quy định về việc chuyển đổi phòng công chứng thành văn phòng công chứng như trong Dự thảo Luật đã trình Quốc hội vì như vậy sẽ giữ được sự ổn định trong hoạt động công chứng tại địa phương, tạo thuận lợi trong việc tiếp quản các quyền và nghĩa vụ của các phòng công chứng khi Nhà nước không cần duy trì các phòng công chứng này nữa; đồng thời cũng có thể thu về một nguồn kinh phí bổ sung cho ngân sách nhà nước từ việc chuyển đổi này. Bên cạnh đó, vẫn còn một số ý kiến băn khoăn về quy định này, do chưa có thực tế về việc chuyển đổi các tổ chức theo mô hình đối nhân.
Trên cơ sở ý kiến của Đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cho tiếp thu theo hướng đề nghị Quốc hội giao Chính phủ nghiên cứu, quy định cụ thể về việc chuyển đổi các phòng công chứng sang thành văn phòng công chứng ở những nơi mà mức độ xã hội hóa của hoạt động công chứng đã đáp ứng được nhu cầu công chứng tại địa phương. Trường hợp không có khả năng chuyển đổi thì mới xem xét giải thể phòng công chứng.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ quan điểm: tán thành việc tiến hành chuyển đổi nhưng không phải tất cả vì Nhà nước vẫn phải thực hiện dịch vụ công cho người dân ở những nơi khó khăn không thực hiện xã hội hóa được.
Luật Công chứng sửa đổi dự kiến sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 7 tới đây.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tán thành việc cho phép chuyển nhượng, thừa kế văn phòng công chứng nhưng Chủ tịch yêu cầu phải quy định chặt chẽ về điều kiện cũng như trách nhiệm của các bên.
Theo Dự thảo Luật, CCV nhận chuyển nhượng văn phòng công chứng phải đáp ứng các điều kiện: đã hành nghề công chứng từ 02 năm trở lên đối với người dự kiến sẽ tiếp quản vị trí trưởng văn phòng công chứng; cam kết hành nghề tại địa phương có tổ chức hành nghề công chứng sau khi nhận chuyển nhượng; cam kết duy trì hình thức tổ chức của văn phòng công chứng, đối với việc chuyển nhượng văn phòng công chứng do từ hai CCV trở lên thành lập; không đồng thời là CCV của một tổ chức hành nghề công chứng khác tại thời điểm đăng ký hoạt động của văn phòng công chứng mà mình nhận chuyển nhượng; cam kết kế thừa quyền và nghĩa vụ của văn phòng công chứng được chuyển nhượng.
Theo báo pháp luật