Cho vay lãi “cắt cổ”, cần cảnh giác với các công ty tài chính

Các chuyên gia cho rằng lãi suất tại các công ty tài chính rất cao do đây là loại hình cho vay tín chấp, người vay không phải thế chấp tài sản, điều kiện vay dễ dàng.

Trong thời gian gần đây, những tranh chấp của khách hàng với công ty tài chính liên tiếp diễn ra khiến cho không ít người dân băn khoăn, lo lắng. Gần đây nhất là vụ việc Công ty tài chính PPF cho khách hàng vay với lãi suất “cắt cổ” lên đến hơn 74%/năm khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng.

Theo đó, sau khi trả góp được bốn kỳ cho khoản vay mua điện thoại, chị C.K.Diễm (Q.5, TP.HCM) được nhân viên Công ty PPF gọi điện thoại mời vay thêm 12 triệu đồng, yêu cầu ra bưu điện nhận tiền. Tại bưu điện, chị đã ký một số giấy tờ theo yêu cầu rồi nhận tiền mà không đọc kỹ.

Tuy nhiên, khi nhận được bản hợp đồng chi tiết chị mới tá hỏa vì lãi suất lên đến 6,17%/tháng, tương đương 74,04%/năm, dù trước đó chị Diễm được nhân viên tư vấn nói lãi suất chỉ hơn 4%/tháng. Và dù thực nhận 12 triệu đồng nhưng số nợ vay theo hợp đồng lên đến 12,929 triệu đồng, do công ty cộng cả số tiền bảo hiểm vào tổng số tiền vay. Theo cách tính của công ty, mỗi tháng chị phải trả 1,359 triệu đồng, thời gian vay 15 tháng, tính ra tổng số tiền chị phải trả lên đến 20,385 triệu đồng.

Ngay khi vụ việc này diễn ra, nó đã nhận được sự quan tâm của dư luận. Lục tìm lại trong quá khứ, mọi người nhận ra rằng, đây không phải là lần đầu tiên PPF dính vào lùm xùm vì việc cho vay tiêu dùng với khách hàng.

Trước đó, hồi tháng 7/2013, một vụ việc với cách hành xử “xã hội đen” của nhân viên PPF cũng đã bị phanh phui. Theo đó, ngày 07/06/2013 chị Nguyễn T.T (SN 1972, ngụ quận Bình Tân, TPHCM) có mua một máy tính bảng hiệu FPT tại cửa hàng FTP (số 176 Ông Ích Khiêm, Q.11) với hình thức vay trả góp do Công ty TNHH MTV tài chính PPF Việt Nam phụ trách.

Sau 2 ngày sử dụng, chị T. thấy máy tính bảng thiếu một số chức năng nên chị đến cửa hàng FPT trả lại máy và FPT đã nhận lại máy. Phía cửa hàng FPT chấp nhận yêu cầu chị T., đồng thời cho biết sẽ tiến hành hủy hợp đồng giữa FPT, PPF và chị T. Ngày 10/6 cửa hàng FPT trả lại số tiền 1.000.000 đồng mà chị T. góp vốn trả trước và thông báo cho chị T. biết rằng hợp đồng giữa chị T. và PPF Việt Nam đã hủy.

Nhưng khoảng 2 tuần sau, nhân viên Công ty tài chính PPF Việt Nam gọi điện thoại đến chị T. hỏi rằng, ngày nào là ngày góp tiền cho công ty. Chị T. trình bày sự việc như đã nói trên nhưng phía PPF một mực khẳng định rằng, trên hệ thống máy tính hợp đồng của chị T. vẫn còn thể hiện, chưa hủy.

Và cứ thế, hàng ngày chị T. luôn nhận được các cuộc gọi điện thoại từ nhân viên PPF với lời lẽ mất lịch sự, thái độ giọng nói như người đòi nợ theo kiểu xã hội đen. Khi chị T trình bày thì nhân viên không chịu nghe và luôn cúp máy điện thoại ngang giữa chừng. Tuy nhiên, khi chị đến văn phòng của PPF để nói chuyện thì không được tiếp. Chị T. bỏ ra về mà lòng còn nhiều ấm ức. Sau đó chị T. lại tiếp tục nhận được tin nhắn và điện thoại đòi nợ tiếp…

Thậm chí, còn có cả 1 trang fanpage mang tựa đề “Hội những người cảnh giác với tài chính PPF” được lập lên nhằm cảnh báo mọi người tránh những tình huống đáng tiếc xảy ra trong quá trình vay tiêu dùng tại công ty tài chính.

Theo chuyên gia kinh tế, thực tế, cho vay tín chấp là một hình thức “nặng lãi”. Lý giải việc khách hàng bị vay lãi “cắt cổ”, các chuyên gia cho rằng lãi suất cho vay tại các công ty tài chính rất cao do đây là loại hình cho vay tín chấp, người vay không phải thế chấp tài sản, điều kiện vay cũng dễ dàng hơn ở ngân hàng.

Trong bối cảnh hiện nay, khi thông tin hỗn độn, người đi vay cần cực kỳ cẩn trọng đối với các lời mời chào cho vay, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

KHÁCH HÀNG THƯỜNG XUYÊN

  • title
  • title
  • title
  • title
  • title
  • title
  • title
  • title