Nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản vì… Luật Phá sản

Nợ đến hạn trên 200 triệu đồng trong vòng 3 tháng sẽ bị coi là lâm vào tình trạng phá sản. Quy định này tại dự thảo Luật Phá sản sửa đổi không khác gì giấy báo tử đối với 99% doanh nghiệp đang hoạt động hiện nay.

Luật Phá sản (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 sắp tới. Ban soạn thảo, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đã có rất nhiều cuộc hội thảo về dự thảo luật này. Nhiều điểm tiến bộ của dự thảo luật đã được ghi nhận. Song, còn những vấn đề cơ bản, có ý nghĩa quyết định đối với nội dung của dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi) vẫn còn khá nhiều ý kiến tranh cãi.

luat-pha-san

Khi nào doanh nghiệp, HTX bị phá sản?

Đến nay, trong quá trình tranh luận về dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi) vấn đề quan trọng nhất là khi nào thì doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) bị coi là lâm vào tình trạng phá sản vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi.

Khoa học kinh tế đã chứng minh rằng, doanh nghiệp, HTX bị coi là lâm vào tình trạng phá sản khi đã mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.

Điều 3 Luật Phá sản năm 20004 quy định: “doanh nghiệp, hợp tác xã không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu thì coi là lâm vào tình trạng phá sản”. Đó là quy định đúng xét cả về lý thuyết khoa học kinh tế và thực tiễn.

Dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi) đã không đề cập đến vấn đề này mà chỉ giải thích khái niệm mất khả năng thanh toán như sau: “Mất khả năng thanh toán là tình trạng doanh nghiệp, HTX không thanh toán khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu”. Và từ đó, dự thảo Luật quy định tiếp “chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, HTX không thực hiện nghĩa vụ thanh toán được khoản nợ đến hạn trong thời hạn ba tháng, kể từ ngày chủ nợ có yêu cầu”.

Những quy định nêu trên là không chính xác. Bởi đã có sự nhầm lẫn rất nghiêm trọng giữa mất cân đối dòng tiền, không thanh toán và mất khả năng thanh toán. Mất cân đối dòng tiền là khi nợ phải thu của doanh nghiệp, HTX quá lớn, nên số thu không đủ trang trải một số khoản chi, trong đó, có cả nợ đến hạn. Song, nợ phải thu vẫn là tài sản của doanh nghiệp, HTX nên doanh nghiệp, HTX không bị mất khả năng thanh toán. Đây là hiện tượng xảy ra rất phổ biến hiện nay. Không thanh toán là hiện tượng cố tình chiếm dụng vốn của đối tác mặc dù doanh nghiệp, HTX có đủ khả năng thanh toán. Mất khả năng thanh toán xảy ra khi, nếu bán toàn bộ tài sản của doanh nghiệp, HTX theo giá thị trường nhưng vẫn không trả được các khoản nợ đến hạn. Chỉ trong trường hợp này, doanh nghiệp, HTX mới bị coi là lâm vào tình trạng phá sản.

Khi xảy ra những trường hợp nêu trên, doanh nghiệp, HTX sẽ có những biện pháp khắc phục khác nhau. Chẳng hạn, khi mất cân đối dòng tiền, chủ doanh nghiệp, HTX sẽ phải đàm phán gia hạn nợ, tích cực thu nợ, tạm vay để có thể thanh toán nợ. Khi gặp trường hợp khách nợ cố tình không thanh toán nhằm chiếm dụng vốn, doanh nghiệp, HTX chủ nợ có thể khởi kiện ra toà kinh tế hoặc Trọng tài thương mại để giải quyết. Chỉ khi doanh nghiệp,HTX mất khả năng thanh toán mới phải áp dụng đến việc tuyên bố phá sản.

Khuyến khích người lao động yêu cầu doanh nghiệp phá sản ?

Dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi) đã trao quyền cho người lao động và đại diện tổ chức công đoàn quyền nộp đơn yêu cầu mở doanh nghiệp, HTX mở thủ tục phá sản với quy định: “Người lao động, đại diện công đoàn có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã không trả được lương, các khoản nợ khác đến hạn khi người lao động, đại diện công đoàn có yêu cầu”.

Không ai phản đối về tính pháp lý của quy định nêu trên. Bởi, Điều 96 Bộ Luật Lao động quy đinh: “Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn.Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 1 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước VN công bố tại thời điểm trả lương”.

Song, sự hợp lý và đạo lý của quy định trên lại là vấn đề cần phải bàn. Trong thực tế, do nhiều khó khăn trong kinh doanh có nguyên nhân từ sự bất ổn của nền kinh tế, sự mất cân đối dòng tiền xảy ra khá nhiều, tình trạng doanh nghiệp, HTX nợ lương của người lao động là rất phổ biến, không chỉ ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa mà xảy ra ở cả những doanh nghiệpNN có quy mô lớn. Rất nhiều trường hợp chủ doanh nghiệp, HTX đã thương lượng, động viên người lao động cùng chia sẻ khó khăn và khắc phục được khó khăn trong một thời gian nhất định.

Ví dụ, đầu năm 2013, một doanh nghiệp thường trả chậm lương cho người lao động tới 3 tháng. Chủ doanh nghiệp đã thông báo cho người lao động biết khó khăn doanh nghiệp đang gặp phải, người lao động đã đồng lòng chia sẻ, tích cực khắc phục khó khăn. Và, kết quả là, sáu tháng sau, tình trạng nợ lương của doanh nghiệp đã chấm dứt.

Dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi) đã xa rời thực tiễn kinh doanh và khuyến khích nguời lao động hoặc đại diện công đoàn “tích cực” yêu cầu các doanh nghiệp, HTX phải phá sản. Điều gì sẽ xảy ra, nếu sau khi Luật Phá sản (sửa đổi) có hiệu lực, người lao động (hoặc đại diện tổ chức công đoàn) ở hàng nghìn doanh nghiệp, HTX sẽ nộp đơn yêu cầu doanh nghiệp, HTX tuyên bố phá sản chỉ vì thanh toán chậm…một tháng lương?

Hậu quả hiển hiện

Từ phân tích trên có thể thấy, việc giải thích về mất khả năng thanh toán một cách quá đơn giản và không đúng ; việc “khuyến khích” người lao động (hoặc đại diện tổ chức công) nộp đơn yêu cầu doanh nghiệp, HTX tuyên bố phá sản như trong dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi) sẽ dẫn đến có rất nhiều doanh nghiệp,HTX bị coi là lâm vào tình trạng phá sản khi Luật được ban hành.

Trong điều kiện ở nước ta hiện nay, khi tình trạng cạnh tranh không lành mạnh còn khá phổ biến, sẽ có rất nhiều chủ nợ nộp đơn yêu cầu doanh nghiệp, HTX là đối tác của mình phá sản. Khi những thông tin “bị nộp đơn yêu cầu phá sản” được đưa ra công chúng, uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp, HTX đang bị mắc nợ sẽ bị tan theo… mây khói. Và, nếu giải quyết được thì “được vạ, má đã sưng”, không loại trừ sẽ phải phá sản, phải “chết oan”!

Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Uỷ ban tài chính – ngân sách của Quốc hội đã nói: “Với quan niệm quá đơn giản về tình trạng mất khả năng thanh toán như dự thảo luật, có thể 90% doanh nghiệp, HTX đang hoạt động hiện nay sẽ bị phá sản”. Xin đừng phát động một “phong trào nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản với doanh nghiệp, HTX”, cũng đừng ép các doanh nghiệp, HTX phải phá sản từ những quy định sai trong văn bản luật.

Tạo điều kiện cho những doanh nghiệp thực sự yếu kém rút khỏi thị trường là cần thiết. Song, không ai mong muốn nền kinh tế nước ta sẽ ngày càng có nhiều doanh nghiệp tuyên bố phá sản. Vì vậy, chỉ có thể tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp khi tuyên bố phá sản bằng việc đơn giản hoá đến mức cho phép đối với các thủ tục. Không thể đánh tráo khái niệm khoa học để có nhiều doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản…oan!

Theo Luật gia Vũ Xuân Tiền (Trưởng Ban Tư vấn và Phản biện chính sách
Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam)
DĐDN

KHÁCH HÀNG THƯỜNG XUYÊN

  • title
  • title
  • title
  • title
  • title
  • title
  • title
  • title