Siết chặt các hành vi tham nhũng để xóa tâm lý “chấp nhận đi tù”

 Nhìn lại năm 2013 có thể nói là năm tập trung “đánh án” tham nhũng khi có nhiều vụ án nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng được đưa ra xét xử.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ, số lượng các vụ việc bị phát hiện, bị điều tra, truy tố và xét xử là quá nhỏ, chưa tương xứng với tình hình tội phạm tham nhũng thực tế. Để đáp ứng tốt hơn yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta, một trong những giải pháp quan trọng là nghiên cứu hoàn thiện quy định về hình sự hóa các hành vi tham nhũng.

Ong Vu Viet Hung

Ông Vũ Việt Hùng (VKSNDTC): Đang có tâm lý chấp nhận đi tù để có được tài sản Chấp nhận đi tù để có được tài sản

Mặc dù Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến công tác đấu tranh phòng chống tệ nạn này nhưng tình hình tham nhũng ở Việt Nam chưa có dấu hiệu giảm. Liên tiếp các vụ việc gây thiệt hại lớn đã bị phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử, điển hình là vụ tham nhũng đất đai tại Đồ Sơn và Quán Nam, Hải Phòng; vụ tham ô, cố ý làm trái và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ tại Ban quản lý dự án di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ; vụ Huỳnh Ngọc Sĩ nhận hàng trăm nghìn USD từ các nhà thầu Nhật Bản…

Mới đây nhất là xét xử vụ Nguyễn Bi – nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc và Nguyễn Thanh Huyền – nguyên Phó Tổng Giám đốc kiêm Kế toán trưởng của Cty Vifon, TP.HCM đã lập chứng từ khống, chiếm đoạt hơn 20 tỷ đồng và không thu về cho Công ty 59,9 tỷ đồng nhằm chiếm đoạt khi cổ phần hóa Công ty này. Theo bản án tuyên ngày 27/11/2013 thì Bi lĩnh tổng cộng 22 năm tù, còn Huyền lĩnh tổng cộng 30 năm tù.

Số liệu của Cục Thống kê tội phạm (VKSNDTC) cho biết, trong khoảng 10 năm từ 2000 – 2010 đã đưa ra xét xử 6.714 bị cáo về các tội phạm tham nhũng, trong đó số bị cáo bị xét xử về tội tham ô tài sản chiếm tỷ lệ từ 65 – 80%. Theo số liệu thống kê của các cơ quan tố tụng hình sự, chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm 2013, số vụ án tham nhũng bị phát hiện, truy tố có chiều hướng tăng lên với 367 vụ án, 840 bị can; VKSND các cấp đã truy tố 335 vụ, 803 bị can; TAND các cấp đã xét xử sơ thẩm 278 vụ, 584 bị cáo, trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 41,2%.

Tuy nhiên, trong khi số tiền, tài sản sai phạm phát hiện rất lớn thì kiến nghị thu hồi của các cơ quan chức năng chỉ trên 30%, số thu hồi được trên thực tế còn thấp hơn nữa. Trong xử lý, các cơ quan chức năng còn áp dụng hình phạt chưa nghiêm. Khi xét xử, Tòa án thiên về áp dụng tình tiết giảm nhẹ nhiều, xử dưới khung, xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo hoặc phạt cải tạo không giam giữ chiếm tỷ lệ cao (năm 2012 là 34,2%, 8 tháng đầu năm 2013 là 31,2%).

Bản án của Tòa chưa thật sự quan tâm đến vấn đề thu hồi tài sản do phạm tội tham nhũng mà có. “Điều này đã và đang tạo nên một tâm lý chấp nhận phạm tội, chấp nhận đi tù để có được tài sản” – ông Vũ Việt Hùng (VKSNDTC) chua xót nhìn nhận.

Phải “xử” cả hối lộ về tinh thần

Tại Hội thảo hoàn thiện quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) về hình sự hóa các hành vi tham nhũng với sự tài trợ của UNDP, do Bộ Tư pháp tổ chức hôm qua (28/11), đa số đại biểu cho rằng, một nguyên nhân làm giảm hiệu quả của công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng là vướng mắc về thể chế.

Theo đó, BLHS hiện hành chưa đề cập đến các hành vi tham nhũng trong khu vực tư; chưa hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp; chưa đặt vấn đề truy cứu trách nhiệm của pháp nhân… và đây là những hành vi cần được hình sự hóa theo yêu cầu của Công ước Liên Hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức từ ngày 18/9/2009.

Nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn cũng như bảo đảm tính tương thích với Công ước chống tham nhũng, ông Vũ Việt Hùng đề xuất nghiên cứu sửa đổi, bổ sung BLHS theo hướng mở rộng phạm vi chủ thể của tội phạm tham nhũng, không chỉ là công chức nhà nước mà cả đối với các công chức nước ngoài và công chức của các tổ chức quốc tế công; mở rộng phạm vi các tội phạm tham nhũng sang khu vực tư nhân, đặc biệt là các hành vi hối lộ và biển thủ tài sản trong khu vực tư; xem xét hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính…

Tán thành với ý kiến của ông Hùng, bà Phạm Thị Thu Hương (Bộ Ngoại giao) còn bổ sung: Tuy là vấn đề mới song cần nghiên cứu xây dựng các quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân để có thể xử lý một cách thích đáng, tương xứng các hành vi phạm pháp của loại chủ thể này.

Cho rằng ở Việt Nam đã có dấu hiệu xuất hiện các hành vi tham nhũng các giá trị phi vật chất (như hối lộ tình dục, thăng chức…), ông Nguyễn Thanh Tân (Bộ Công an) kiến nghị nên hình sự hóa hành vi tham nhũng các giá trị phi vật chất. Ông Tân phân tích, hành vi đưa và nhận hối lộ các giá trị phi vật chất có tính nguy hiểm cho xã hội rất cao, phù hợp với đặc trưng của tội phạm như trực tiếp xâm hại hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; thay đổi chức năng của cơ quan hành chính, phá vỡ thiết chế pháp luật và chế độ dân chủ…

 

Theo: PLO

KHÁCH HÀNG THƯỜNG XUYÊN

  • title
  • title
  • title
  • title
  • title
  • title
  • title
  • title